Bài liên quan
Trên thị trường tài chính, thị trường hối đoái là thị trường có tính thanh khoản cao nhất và doanh số giao dịch lớn nhất, vượt xa doanh số giao dịch của thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Thị trường hối đoái là nơi mà đồng tiền quốc gia này có thể đổi lấy một đồng tiền quốc gia khác. Hiện nay, doanh số mua bán ngoại tệ bình quân một ngày trên thị trường hối đoái quốc tế lên tới trên 3000 tỷ USD. Đối tượng tham gia thị trường cũng rất đa dạng: Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng thương mại, các công ty xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, dịch vụ quốc tế, khách du lịch…đặc biệt là có sự tham gia thường xuyên của các nhà môi giới, nhà kinh doanh tiền tệ. Vấn đề quan trọng là chúng ta sẽ bán hoặc mua ngoại tệ khi nào để có thể mang lại hiệu quả cao nhất?
Tỷ giá hối đoái là giá cả của một đơn vị tiền tệ nước này được đo lường bằng một số lượng đơn vị tiền tệ nước khác. Tỷ giá là loại giá cả rất phức tạp với những biến động rất mạnh và nhanh buổi sáng có thể là 118 JPY/USD, chiều có thể là 120 JPY/USD. Tỷ giá rất nhạy cảm với những yếu tố về kinh tế- chính trị -xã hội- chiến tranh -thiên tai… và cả yếu tố tâm lý.
Trên thị trường tài chính nói chung và thị trường hối đoái nói riêng các chuyên gia thường dùng 2 cách phân tích sau đây để dự báo giá: phân tích kỹ thuật (Technical analysis) và phân tích cơ bản (Fundamental analysis).
+ Phân tích cơ bản (Fundamental analysis) là phương pháp phân tích tập trung vào việc nghiên cứu các lý do hoặc nguyên nhân làm cho giá tăng lên hoặc giảm xuống. Nó chú ý đến các lực lượng tác động đến cung cầu tiền tệ trên thị trường: lãi suất, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, đầu tư… Ý tưởng của phương pháp này là tiến đến một giá trị dự đoán về giá trị sinh lời tiềm ẩn của một thị trường để xác định xem thị trường được đánh giá cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực. Phần khó nhất của phương pháp này là quyết định xem thông tin nào và bao nhiêu tiền đã được tính vào cơ cấu giá hiện hành. Các lý thuyết chính của phân tích cơ bản là : Lý thuyết đồng giá sức mua (PPP), lý thuyết ngang giá lãi suất (IRP), mô hình cán cân thanh toán quốc tế, mô hình thị trường vốn,…
+ Phân tích kỹ thuật ( Technical analysis ) đơn giản là một phương pháp dự báo dựa vào nghiên cứu về quá khứ, tâm lý và quy luật xác suất. Nó tất nhiên không phải là không thất bại nhưng nó là một kỹ thuật kinh doanh rất đáng để nghiên cứu. Phân tích kỹ thuật chủ yếu là dựa vào đồ thị tỉ giá và số lượng mua bán của quá khứ đã được tập hợp lại để dự đoán khuynh hướng của tỉ giá trong tương lai. Phân tích kỹ thuật có tính linh hoạt, dễ sử dụng và nhanh chóng, những nhà kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn được tự do chọn lựa. Điều lưu ý là phân tích kỹ thuật có thể là công cụ giúp ta dự báo xu hướng đúng, nhưng nó phải được sử dụng theo nguyên tắc đã được tính toán chứ không phải theo cảm tính. Thời gian lập biểu đồ phân tích là do mỗi nhà kinh doanh lựa chọn có thể sử dụng phân tích kỹ thuật trong ngày ( các dạng 5 phút, 30 phút hay mỗi giờ), trong tuần hoặc trong tháng. Các lý thuyết chính của phân tích kỹ thuật là: lý thuyết Dow, lý thuyết Fibonacci, lý thuyết Elliott Wave…Trong phân tích kỹ thuật có các giả định: thị trường phản ứng trước mọi sự kiện xảy ra, giá cả biến động theo một khuynh hướng nhất định, sự biến động giá cả thường lập lại theo chu kỳ và có sự lập lại của giá cả trong quá khứ vào tương lai (history repeats itself).
Như vậy mỗi loại hình phân tích có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Vì vậy nhà kinh doanh trong hoạt động kinh doanh phải biết linh hoạt sử dụng các công cụ này cộng với quyết định trực quan của mình để ra quyết định nhanh chóng và chính xác
1. Một số các chỉ số, thông tin kinh tế chính thường được sử dụng trong phân tích
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): Bất cứ một quốc gia nào cũng muốn duy trì một nền kinh tế tăng trưởng cùng với sự ổn định tiền tệ và công ăn việc làm cho dân cư mà GDP là một trong những tín hiệu cụ thể của những nỗ lực của chính phủ. Vì thế việc nghiên cứu khuynh hướng của sự tăng trưởng GDP, tỉ lệ thất nghiệp cũng như tỉ lệ lạm phát giúp chính phủ có thể thay đổi chính sách tiềntệ để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Ví dụ khi có thông tin GDP của nước nào đó tăng lên thì đó là tin tốt cho đồng tiền nước đó…
- Chỉ số giá cả tiêu dùng(CPI): Là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng của một quốc gia. Vì vậy sự gia tăng nhanh hoặc giảm nhanh của lạm phát là một dấu hiệu cho thấy rất có khả năng có một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ.
- Sản lượng công nghiệp (Industrial Production): Vì giá trị của ngành công nghiệp chiếm một tỉ trọng lớn trong GDP nên một sự thay đổi nhỏ của chỉ số này cũng có thể gây ra những thay đổi lớn về tốc độ tăng trưởng GDP và vì thế sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của mỗi quốc gia.
- Số lượng hàng hóa bán lẻ (Retail sales): Bằng việc theo dõi số lượng hàng hóa bán lẻ trong một thời gian nhất định chính phủ có thể đánh giá được một cách gần chính xác sự tăng trưởng của việc tiêu dùng cá nhân của dân cư, mà việc tiêu dùng của xã hội đóng góp rất lớn vào giá trị của GDP.
- Hàng tồn kho (Inventories) : Tỉ lệ hàng tồn kho là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Ví dụ nếu tỉ lệ tồn kho tăng cao tức là sức mua trong nền kinh tế đang có chiều hướng giảm sút sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế và ngược lại.
- Chỉ số chứng khoán (Stock index): Đây được coi là một trong những phong vũ biểu của nền kinh tế. Nếu chỉ số chứng khoán tăng mạnh thể hiện có sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ của dân chúng vào TTCK tức là người dân tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai gần của nền kinh tế…
- Ngoài ra trên thị trường còn có rất nhiều các chỉ số quan trong khác mà bất cứ một dealer nào cũng quan tâm như: M2, lãi suất chiết khấu, trái phiếu, chỉ số thất nghiệp…Ví dụ vào đầu tháng 5.2003 có thông tin chỉ số thất nghiệp trong tháng 4 của Mỹ tăng từ 5.8% (tháng 3.2003) lên 6%, làm cho đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường hối đoái quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét